Cấu trúc đề thi cấp quốc gia năm 2011
TT - Theo công bố mới nhất của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi trong các kỳ thi quốc gia năm 2011 về cơ bản không thay đổi so với năm trước. Cục cũng không ban hành cấu trúc đề thi các môn.
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi cho đối tượng thí sinh học chương trình THPT, bao gồm thí sinh học ban cơ bản, ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, thí sinh học trung học kỹ thuật và thí sinh tự do sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có khả năng phân loại thí sinh cao hơn. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận. Các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm. Các môn thi tự luận sẽ có điểm số cho từng câu hỏi. Các môn thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10.
Cấu trúc đề thi các môn thi tốt nghiệp THPT *
Môn Toán *
Môn Văn *
Môn Vật lý *
Môn Địa lý *
Môn Hóa học*
Môn Lịch sử *
Môn Sinh họcBám sát kiến thức cơ bản Trong văn bản thông báo về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Bộ GD-ĐT lưu ý rõ về yêu cầu đối với thí sinh. Trong đó 50% điểm số của đề thi mỗi môn thi sẽ dành cho các câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.
Như vậy, để có thể đạt yêu cầu tối thiểu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần bám sát kiến thức cơ bản có trong chương trình. Những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, có khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức tốt, khả năng sáng tạo có thể đạt điểm khá giỏi. Ở đề thi tuyển sinh, điểm số dành cho những câu hỏi đòi hỏi năng lực thực hành kiến thức, năng lực tư duy, sáng tạo sẽ nhiều hơn.
Theo nguồn tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 (trừ môn ngoại ngữ) vẫn có hai phần chung (bắt buộc) và phần riêng (tự chọn). Phần bắt buộc là phần kiến thức giao thoa giữa các chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Phần tự chọn được ra theo kiến thức chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Thí sinh chọn một trong hai phần tự chọn để làm, tùy theo sự hiểu biết và kiến thức đã được học. Nếu thí sinh làm cả hai phần tự chọn sẽ phạm quy, không được tính điểm phần này. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên sẽ có đề thi tốt nghiệp riêng. Đề thi cho đối tượng thí sinh này không có hai phần bắt buộc và tự chọn mà chỉ có một phần chung.
Chuyên gia của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý với quy định “đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng”, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT phải lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng là cơ sở để định hướng ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp. Tài liệu chính để ôn tập là sách giáo khoa nhưng phải xác định được các yêu cầu mang tính trọng tâm để thí sinh không bị ôm đồm, quá tải. Bộ GD-ĐT không chủ trương giới hạn kiến thức ôn tập nên thí sinh không được bỏ sót kiến thức trong chương trình lớp 12 và các phần kiến thức liên quan ở lớp 10, 11.
Yêu cầu khác nhau
Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cấu trúc đề thi từng môn thi (được ban hành năm 2010) không phải là “giới hạn kiến thức ôn tập” mà chỉ là tài liệu tham khảo để thí sinh hình dung về cách thức, nội dung đề thi, nhận biết những đề thi có các phần bắt buộc và tự chọn để không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi.
Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, các môn thi trắc nghiệm vật lý, hóa học, sinh học đều có phần bắt buộc gồm 32 câu và phần tự chọn gồm A (8 câu) và B (8 câu). Tất cả các thí sinh sẽ làm chung từ câu 1-32 và làm từ câu 33-40 của phần A hoặc B của phần tự chọn. Nếu thí sinh làm hết cả 16 câu của cả phần A và B sẽ bị coi phạm quy, không tính điểm. Môn ngoại ngữ sẽ có 50 câu cho tất cả thí sinh.
Tương tự, với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các môn thi trắc nghiệm như vật lý, hóa học, sinh học có 40 câu thuộc phần chung và 10 câu thuộc phần riêng. Thí sinh làm chung từ câu 1-40, và từ câu 41-50 của phần A hoặc câu 41-50 của phần B. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn ngoại ngữ có 80 câu.
Theo các chuyên gia của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, tham khảo cấu trúc đề thi sẽ giúp thí sinh phân định được kiến thức nào là phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao, kiến thức nào của riêng chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Ví dụ ở môn lịch sử, cũng đề cập đến lịch sử VN từ năm 1919 đến năm 2000, nhưng ở phần chung và phần riêng (chuẩn), riêng (nâng cao) có các yêu cầu về kiến thức khác nhau.
Tham khảo cấu trúc đề thi, thí sinh cũng có thể nắm được các dạng câu hỏi của từng môn. Ví dụ ở môn ngữ văn, phần chung thường có câu kiểm tra hiểu biết của thí sinh về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm, có một bài nghị luận xã hội ngắn, phần riêng là bài cảm thụ văn học (theo tác phẩm của chương trình chuẩn hoặc nâng cao). Các đề thi môn ngoại ngữ thường có các dạng câu hỏi kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, kiểm tra kỹ năng đọc.
Theo báo tuổi trẻ Online
Tháng 3-2011: công bố 3 môn thi còn lại
Ngoài ba môn thi đã được xác định trước là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga), ba môn thi còn lại sẽ được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3-2011.
Một số giáo viên có kinh nghiệm nhận định đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ không có đột biến, tuy nhiên theo xu thế từ hai năm nay, đề thi sẽ hạn chế các câu hỏi tái hiện máy móc, tăng cường các câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải nắm vững và biết vận dụng kiến thức. Đề thi ĐH, CĐ có thể sẽ có những câu ra theo hướng mở, nhất là ở các môn khoa học xã hội và nhân văn.