Điểm chuẩn linh hoạt, cơ hội nhiều hơn
TT - Tuy cùng áp dụng “ba chung” nhưng phương thức xét tuyển, cách xây dựng điểm chuẩn cụ thể của nhiều trường ĐH lại khác nhau. Đây chính là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội trúng tuyển nếu như thí sinh không tìm hiểu đầy đủ thông tin và có sự so sánh kỹ lưỡng.Nhóm ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) có chung một điểm chuẩn.
Trong ảnh: TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo nhà trường, tư vấn cho thí sinh Tiền Giang
trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ngày 9-1
Những giải pháp mới mang tính kỹ thuật này vẫn phù hợp với quy chế tuyển sinh hiện hành nhưng mang đến cho các trường sự linh hoạt hơn nhiều khi xét tuyển. Về phía thí sinh, nếu tận dụng được sự linh hoạt các trường mang lại, thí sinh sẽ có thêm cơ hội để trúng tuyển vào đúng trường/ngành ĐH mà mình mong muốn.
Nhiều cách lên điểm chuẩnMột trong những phương thức được nhiều trường ĐH lớn có nhiều thí dự thi như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân... - áp dụng là xây dựng một mức điểm chuẩn trúng tuyển chung vào trường (gọi là điểm sàn riêng của trường).
Sau đó, trường xác định điểm chuẩn riêng cho từng ngành, nhóm ngành. Trong đó có những ngành có mức điểm chuẩn chỉ bằng sàn, có những ngành sẽ có điểm chuẩn cao hơn nhiều.
Trong khi mức điểm chuẩn chung khối A của trường có thể chỉ là 20 hoặc 24 điểm nhưng những ngành đào tạo “nóng” nhất như tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế đối ngoại... có thể 24 hoặc 26-28 điểm thí sinh mới trúng tuyển.
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và một số trường khác cũng chỉ xây dựng điểm trúng tuyển theo ngành sau khi có một mức điểm sàn trúng tuyển chung vào trường cho từng khối thi.
Nhiều trường ĐH khác đã chọn cách xác định điểm trúng tuyển theo nhóm ngành. Qua tìm hiểu, kỳ thi tuyển sinh năm 2011 có xu hướng thêm nhiều trường đa ngành sẽ xây dựng điểm chuẩn theo phương thức này. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - vốn là một trường có tới vài chục ngành đào tạo, trước đây có điểm chuẩn cho từng ngành, từ năm 2010 trường đã chia các ngành đào tạo thành bảy nhóm ngành. Ngoài điểm chuẩn cho từng nhóm ngành, trường sẽ đưa ra điểm sàn trúng tuyển chung cho mỗi khối thi.
Sau năm học thứ nhất trường mới phân ngành học (trong cùng nhóm ngành) dựa trên kết quả học tập của sinh viên trong hai học kỳ đầu. Theo ông Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách tuyển sinh như vậy sẽ mang đến nhiều ưu điểm cho người học: thí sinh được xét tuyển vào nhóm ngành theo nguyện vọng ngay từ đầu và gặp ít rủi ro hơn so với phương án điểm chuẩn theo từng ngành. Đồng thời sinh viên sẽ có thêm thời gian tìm hiểu thông tin ngành nghề, có cơ hội bình đẳng để phấn đấu học tập và lựa chọn ngành phù hợp nhất với nguyện vọng và khả năng của bản thân.
Chuyển ngành, chuyển hệThí sinh không đạt điểm chuẩn vào ngành học đã đăng ký nhưng đủ mức điểm vào những ngành học khác sẽ được chuyển nguyện vọng (NV1), không phải đợi đến khi đăng ký xét tuyển NV2 đang trở thành một phương thức xét tuyển được rất nhiều trường ĐH áp dụng.
Những trường có điểm chuẩn chung vào trường thường không cần xét tuyển đến NV2. Vì khi xác định điểm chuẩn này, trường đã khoanh đến ngưỡng tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó, trường sẽ cho phép nhiều thí sinh đủ điểm trúng tuyển vào trường nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký (có điểm chuẩn cao) được chuyển sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn đang còn chỉ tiêu.
Về phía thí sinh, cách tuyển chọn này cũng giảm bớt nguy cơ may rủi do phải đăng ký trước ngành dự thi. Trong trường hợp được chuyển ngành, những thí sinh có kết quả thi càng cao càng có thêm cơ hội tốt. Trên thực tế, cơ hội chuyển ngành không quá giới hạn trong một vài ngành khó tuyển như một số thí sinh vẫn hình dung.
Ngược lại, với xu hướng muốn giữ thí sinh được điểm cao, các trường ngày càng linh hoạt hơn trong việc cho thí sinh chuyển ngành. Mùa tuyển sinh 2010 cho thấy ở những trường ĐH tốp đầu, chỉ có một vài ngành “nóng” tuyển hết chỉ tiêu ngay, những ngành còn lại đều còn cơ hội cho thí sinh chuyển ngành. Có thể nói thí sinh được chuyển ngành đã có một cơ hội NV2 khác trước khi cần chính thức sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển NV2.
Ngoài các trường tốp đầu đã sớm áp dụng phương thức này để giữ chân thí sinh thi đạt điểm cao, phương thức xét tuyển linh hoạt cho phép thí sinh được chuyển ngành ngày càng được nhiều trường ĐH tốp giữa áp dụng. Thí sinh cũng cần lưu ý ngoài việc đạt đủ điểm chuẩn của những ngành học còn chỉ tiêu, đôi khi việc chuyển ngành cũng kèm theo những điều kiện khác tùy theo quy định cụ thể của từng trường.
Đối với các trường đào tạo nhiều hệ, thí sinh cũng có thêm cơ hội trúng tuyển nếu không đủ điểm vào ngành đào tạo đã đăng ký. Ví dụ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho phép thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký hệ kỹ sư nhưng đạt điểm sàn của khối thi sẽ được xét tuyển vào học các chương trình cử nhân công nghệ.
Tương tự, trong kỳ thi tuyển sinh 2010, tuy Trường ĐH Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn chung khối A là 21, khối D là 20 điểm nhưng thí sinh vẫn có thêm cơ hội được xét chuyển sang mười chuyên ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn mức sàn chung từ 1-2 điểm. Ở trường ĐH có hệ đào tạo CĐ, nếu không trúng tuyển hệ ĐH, thí sinh sẽ có cơ hội xét tuyển vào hệ CĐ cùng ngành đó và sau này có thể học liên thông lên ĐH.
Một điểm chuẩn
Trường ĐH Hàng hải có điểm chuẩn trúng tuyển cho từng nhóm ngành và điểm chuẩn riêng cho từng ngành. Thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký có thể được chuyển sang ngành khác cùng nhóm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng có điểm chuẩn chung cho cả nhóm ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi đăng ký vào các trường có điểm chuẩn theo nhóm ngành, thí sinh cần lưu ý chênh lệch điểm chuẩn giữa nhiều nhóm ngành khá cao.
Bên cạnh đó, nhiều trường khi tuyển sinh đầu vào chỉ có một mức điểm chuẩn chung hoặc điểm chuẩn theo khối thi như Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Luật Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM...
Nguồn:
http://tuoitre.vn/Giao-duc/